Trang phục cổ trang Trung Quốc, một biểu tượng sâu sắc của văn hóa, thể hiện sự phát triển của dòng chảy lịch sử qua nhiều triều đại. Những bộ trang phục này không chỉ là vật dụng hàng ngày mà còn phản ánh địa vị xã hội, triết lý và thẩm mỹ của người Trung Quốc qua các thời kỳ. Từ Hán phục đến trang phục triều Thanh, mỗi kiểu dáng quần áo đều có câu chuyện riêng và mang đậm nét đặc trưng của từng giai đoạn. Trong bài viết này hãy cùng HiCampus tìm hiểu về một số kiểu trang phục cổ trang nhé!

Trang phục của thời Thương Chu

Từ nhà Thương đến nhà Tây Chu là thời gian mà sự phân biệt đẳng cấp dựa trên trang phục, mũ miễn dần dần được hình thành.

Thời nhà Thương, chất liệu thường dùng để may quần áo là da, tơ, sợi đay. Các thợ thủ công của thời Thương đã có thể dệt ra những mảnh lụa cực mỏng với hoa văn tinh tế. Màu vải cũng vô cùng phong phú và đa dạng.

Thời Tây Chu, chế độ đẳng cấp dần hình thành, nhà Chu cho thành lập các chức quan mới đó là “Ty phục” và “Nội ty phục” chuyên phụ trách y phục cung đình. Vào thời này, để thể hiện phẩm giá và sự uy nghiêm của mình, các quan đại thần trong triều đình phải đội mũ miện. Đồng thời trang phục của họ cũng phải có hình dáng, màu sắc và hoa văn khác nhau.

Trang phục cổ trang Trung Quốc của thời Xuân Thu Chiến Quốc

Vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, ngành dệt may của Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ rõ rệt. Điều đó khiến trang phục vào thời đại này có hoa văn ngành càng tinh xảo và chất liệu cũng trở nên đa dạng hơn.

Người xưa đeo ngọc để thể hiện mức độ cao quý và tượng trưng cho nhân cách. Do đó, những người thuộc tầng lớp thượng lưu, cả nam và nữ, đều phải đeo những miếng ngọc chạm khắc đẹp mắt. Kiếm là một loại vũ khí mới thời bấy giờ. Để thể hiện lòng dũng cảm và để tự vệ, giới quý tộc sẽ đeo một thanh kiếm dát vàng và ngọc. Trong thời Xuân Thu và Chiến Quốc, trang phục của tầng lớp thượng lưu thường rộng rãi, còn tầng lớp thấp thì bó sát.

Trang phục của thời Tần Hán

Chất liệu quần áo thời kỳ này phong phú hơn so với thời Xuân Thu Chiến Quốc. Vải may trang phục của thời Tần Hán vẫn tập trung vào các loại gấm. Các hoa văn thêu chủ yếu bao gồm các núi, mây, chim thú hoặc các hình dây leo…

Vào năm Kiến Nguyên thứ ba (138 TCN) và năm Nguyên Thọ thứ tư (119 TCN) thời Tây Hán, Trương Khiên được lệnh hai lần đi sứ tới Tây Vực, mở ra các tuyến đường bộ giữa Trung Quốc và các nước phương Tây. Từ đó đã hình thành nên Con đường tơ lụa. Kết quả là trang phục cổ trang Trung Quốc đã lan rộng ra thế giới.

Trang phục cổ trang Trung Quốc thời Ngụy Tấn Nam Bắc triều

Vào thời Ngụy Tấn và Nam Bắc triều, trang phục của các giai cấp đã có một số sự thay đổi. Hầu hết các loại mũ miện đã được thay thế bằng những chiếc khăn đội đầu. Những chiếc khăn này thường được giới trí thức sử dụng. Một vài kiểu khăn đội đầu phổ biến thời đó là:

  • Chiết giác cân (折角巾)
  • Lăng giác cân (菱角巾)
  • Tử quan cân (紫纶巾)
  • Bạch quan cân (白纶巾)

Vào đầu thời nhà Ngụy, Văn đế Tào Phi đã thiết lập hệ thống chức vụ chín cấp. Lấy màu tím, đỏ và xanh lục làm ba màu để phân biệt chín cấp. Hệ thống này được sử dụng ở nhiều triều đại khác nhau. Thậm chí kéo dài từ đó cho đến thời nhà Nguyên và nhà Minh.

Trang phục của thời Tùy Đường

Vào thời nhà Tùy và nhà Đường, Trung Quốc đi từ chia cắt đến thống nhất, từ chiến tranh đến ổn định. Từ đó, kinh tế và văn hóa thịnh vượng kéo theo sự phát triển cả về kiểu dáng lẫn chất liệu của trang phục.

Trang phục thịnh hành nhất của phụ nữ thời Tùy Đường là váy cạp cao dài ngang ngực. Cả bộ trang phục sẽ bao gồm áo ngắn và váy dài. Eo váy được buộc cao bằng một dải lụa dài. Các loại khăn choàng dài cũng được ưa chuộng thời bấy giờ. Khăn được làm bằng lụa mỏng, đeo lên bằng cách quàng qua vai và xoắn vào giữa hai cánh tay.

Trang Phuc Co Trang Trung Quoc 2
Trang phục thời Đường

Trang phục cổ Trang Trung Quốc của thời Tống

Trang phục cổ trang Trung Quốc thời nhà Tống thường có ba kiểu:

  • Quan phục
  • Trang phục thường ngày
  • Trang phục truyền thống

Trong đó, màu sắc của quan phục sẽ dựa theo hệ thống của nhà Đường. Màu tím được cho quan tam phẩm trở lên, màu đỏ son cho ngũ phẩm trở lên, màu xanh lá cây cho ngũ phẩm trở lên và màu xanh da trời cho cửu phẩm trở lên.

Trang phục tiêu biểu của các trưởng lão thời nhà Tống là áo choàng rộng có cổ chéo, tay áo rộng và kết hợp với khăn Đông Pha.

Ngoài ra vào thời ấy, mũ cánh chuồn và khăn đội đầu rất được nam giới ưa chuộng. Trong khi đó, phụ nữ lại thích đội hoa hoặc trâm cài đầu. Kiểu tóc và hoa cài của phụ nữ là trọng tâm của việc theo đuổi cái đẹp vào thời điểm đó. Đồng thời cũng phản ánh rõ nhất những thay đổi về trang phục thời nhà Tống.

Trang phục cổ trang Trung Quốc dưới thời nhà Minh

Sau sự thống trị của người Mông Cổ vào thời nhà Nguyên, Minh Thái tổ Chu Nguyên Chương đã khôi phục lại chế độ quản lý về trang phục. Vào đầu thời nhà Minh, người dân được yêu cầu sử dụng trang phục tương tự như vào thời nhà Đường. Trong đó kiểu dáng của quan phục cũng gần giống thời Đường. Tuy nhiên Tiến hiền quan (进贤冠) sẽ được đổi thành Lương quan (梁冠).

Vào thời nhà Minh, vì họ của hoàng đế là Chu nên nên màu đỏ (朱) được coi là màu sắc chính thống. Ngoài ra, vì Luận ngữ của Khổng Tử nói rằng “Ác tử chi đoạt chu dã” (恶紫之夺朱也) nên màu tím đã bị bãi bỏ khỏi hệ thống màu sắc quan phục.

Trang phục của thời Thanh

Trong thời nhà Thanh, triều đình sẽ sử dụng các biện pháp bạo lực để yêu cầu nam giới cạo tóc và thay quần áo. Đồng thời thống nhất trang phục nam giới theo phong tục Mãn Châu. Vào năm Thuận Trị thứ chín (1652), “Quy định về màu sắc trang phục và kiệu càng” được ban hành, bãi bỏ mũ miện và trang phục mang màu sắc đậm chất dân tộc Hán.

Vào thời nhà Minh, đàn ông đều búi tóc, mặc quần áo rộng, đi tất và đi giày nông. Đến thời nhà Thanh, đàn ông cạo tóc và thắt bím sau đầu. Vào thời Khang Hy và Ung Chính, phụ nữ Hán vẫn giữ phong cách của thời nhà Minh, với áo tay nhỏ và váy dài. Sau thời Càn Long, trang phục ngày càng rộng và ngắn hơn. Vào cuối thời nhà Thanh, phụ nữ thành thị đã bỏ váy và mặc quần.

Trang Phuc Co Trang Trung Quoc 1
Trang phục của phụ nữ nhà Thanh

Xem thêm: Top những phim cổ trang Trung Quốc hay nhất mọi thời đại

Trên đây là bài viết giới thiệu về trang phục cổ trang Trung Quốc. Hi vọng rằng những thông tin trong bài viết này sẽ hữu ích với tất cả các bạn. HiCampus chúc bạn sẽ có một mùa học bổng thành công.

Kết nối cùng Hicampus để được tư vấn về các chương trình và chỉ tiêu học bổng nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *