Khi nhắc đến các trường đại học của Trung Quốc, nhiều bạn sinh viên sẽ không chỉ nhớ đến chất lượng đào tạo của trường mà còn nhớ đến những công trình mang tính biểu tượng của trường. Nhiều công trình đã có niên đại hàng trăm năm và thu hút một lượng lớn sinh viên ngoài trường và du khách đến check-in. Sau đây hãy cùng HiCampus tìm hiểu TOP 8 công trình biểu tượng của trường đại học lớn tại Trung Quốc.

Hồ Vị Danh – Đại học Bắc Kinh (未名湖)

Quần thể Nhã tháp, hồ Vị Danh và thư viện Đại học Bắc Kinh thường được gọi với cái tên “nhất tháp hồ đồ” (一塔湖图, hài âm của 一塌糊涂). Năm 1930, giáo sư Tiền Mục đến Đại học Yến Kinh để giảng dạy. Ông không hài lòng khi các tòa kiến trúc trong trường đều được gọi bằng tên tiếng Anh nên đã đề xuất đổi thành tiếng Trung. Sau khi đặt tên cho tất cả các tòa nhà trong trường, mọi người thấy có một cái hồ rất đẹp trong khuôn viên trường nhưng không chọn được tên nào vừa ý. Cuối cùng thống nhất đặt tên là hồ Vị Danh (Hồ không tên).

Năm 1952, sau khi Đại học Yến Kinh bị bãi bỏ, địa điểm đó đã trở thành Đại học Bắc Kinh ngày nay. Hồ Vị Danh cũng vì thế mà trở thành một phần của Đai học Bắc Kinh. Hồ Vị Danh có phong cảnh đẹp, góc nào cũng thơ mộng. Vì vậy nơi đây rất thu hút sinh viên và khách du lịch. Hồ Vị Danh có ý nghĩa với Đại học Bắc Kinh như Tây Hồ đối với Hàng Châu. Hồ Vị Danh đã chứng kiến rất nhiều lớp sinh viên xuất sắc tại đây và vẫn đang tiếp tục ca ngợi vinh quang của Đại học Bắc Kinh.

Cong Trinh Bieu Tuong Cua Truong Dai Hoc
Hồ Vị Danh

Đại học Thanh Hoa – Thủy mộc Thanh Hoa (水木清华)

Đại học Thanh Hoa có vô số cảnh đẹp nổi tiếng. Nhưng được nhắc đến nhiều nhất chắc chắc là “Thanh Hoa viên” và Thủy mộc Thanh Hoa – công trình biểu tượng của trường Đại học Thanh Hoa.

Thủy mộc Thanh Hoa có phong cảnh vô cùng nên thơ trữ tình. Nơi đây có thể so sánh ngang với Di Hòa Viên. Vườn được thiết kế độc đáo với dòng sông uốn quanh và thực vật thay đổi theo mùa. Ẩn mình giữa núi rừng là hai gian đình cổ kính tinh tế và trang nhã. Ngoài ra còn có một ao sen tỏa hương thơm thoang thoang.

Sở dĩ gọi là “Thanh Hoa” là bắt nguồn từ cụm “thủy thanh mộc hoa”. Cụm từ này ngụ ý xinh đẹp trang nhã. Mộc sinh ra từ thủy, thủy sống được nhờ mộc. Mối quan hệ giữa thủy với mộc tương tự như tình thầy trò. Thầy là thủy, trò là mộc, làn nước trong xanh nuôi dưỡng ra những loài cây tươi tốt. Đây chính là chân dung chân thực nhất về Đại học Thanh Hoa ngày nay.

Đại học Sư phạm Bắc Kinh – Bia kỉ niệm Mộc Đạc (木铎金声一百年)

Phía tây quảng trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh có một tác phẩm điêu khắc khổng lồ đó là “Mộc đạc kim thanh nhất bách niên”. Đây là công trình được xây dựng để kỉ niệm 100 năm thành lập trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh vào ngày 6/9/2002. Bia kỉ niệm cao 12 mét được làm bằng đồng do các cựu sinh viên của trường quyên góp và được điêu khắc tinh tế bởi bậc thầy điêu khắc Trần Tiêu Đinh.

Hai chữ “sư đại” ở mặt trước của bia được viết bởi học giả nổi tiếng Tiền Huyền Thông. Bảy chữ “Mộc đạc kim thanh nhất bách niên” ở mặt sau được viết bởi ông Khải Công, một giáo sư của Đại học Sư phạm Bắc Kinh và cũng là một nhà thư pháp nổi tiếng.

“Mộc đạc” (木铎) vốn là từ chỉ một loại nhạc cụ thời xưa. Vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, khi lễ nghi bị phá vỡ, xã hội rối ren, Khổng Tử đã đi khắp đất nước như một “mộc đạc” để rao giảng đạo đức. Từ đó “mộc đạc” đã dần thoát ly khỏi nghĩa gốc và bắt đầu đề cập đến giáo dục. Tác phẩm điêu khắc “Mộc đạc kim thanh nhất bách niên” là minh chứng cho lịch sử phát triển hàng thế kỷ của Đại học Sư phạm Bắc Kinh.

Cong Trinh Bieu Tuong Cua Truong Dai Hoc 1
Bia kỉ niệm mộc đạc

Xem thêm: Học bổng Mộc Đạc – Đại học Sư phạm Bắc Kinh

Đại học Khoa học kỹ thuật Trung Quốc – Nhụ tử ngưu (孺子牛)

Ở phía Đông Nam thư viện Đại học Khoa học kỹ thuật Trung Quốc có một tác phẩm điêu khắc bằng đá vô cùng hùng vĩ đó là Nhụ tử ngưu. Tác phẩm này gồm có hai con bò và quả địa cầu. Đồng thời đây cũng là công trình biểu tượng của trường Đại học Khoa học kỹ thuật Trung Quốc. Trên bệ đá, hai chú bê mở to mắt, cúi đầu, dùng sừng và lưng đẩy quả địa cầu.

So với tính nghệ thuật, giá trị lịch sử của bức tượng này dường như nổi bật hơn. Mùa xuân năm 1983, sau khi kỳ thi tuyển sinh đại học được khôi phục trở lại, khóa tốt nghiệp đầu tiên của Đại học Khoa học kỹ thuật Trung Quốc cũng đang dần chuẩn bị hoàn thành chương trình học tại trường. Trước khi chia tay trường, họ hy vọng rằng sẽ được tặng cho trường một tác phẩm điêu khắc. Cuối cùng họ quyết định chọn chủ đề “con bò” tượng trưng cho sức mạnh. Tác phẩm điêu khắc này đã tồn tại được 36 năm nhưng cho đến ngày nay, toàn bộ bức tượng vẫn vô cùng hùng vĩ và hoành tráng.

Đại học Vũ Hán – “Thập bát đống” (珞珈山“十八栋”)

Mọi người đều biết rằng, hoa anh đào là điểm thu hút nhất của Đại học Vũ Hán. Nhưng ít người biết rằng “Thập bát đống” (mười tám tòa nhà) nằm trên núi Lạc Già là địa điểm có giá trị lịch sử nhất của trường. Mười tám tòa nhà này là những ngôi nhà nhỏ xây theo kiểu Anh Quốc vào những năm 1930. Nhà nằm hướng mặt ra phía Đông Hồ. Nó hòa quyện sự lãng mạn của phương Tây và sự sang trọng của phương Đông.

Ngày trước, mười tám tòa nhà này là nơi ở của giáo sư Đại học Vũ Hán. Tuy nhiên chỉ có những “giáo sư của giáo sư” mới có thể vào ở. Trong chiến tranh chống Nhật, nơi đây đã trở thành đặc khu quân sự. Chu Ân Lai, Quách Mạt Nhược và các chỉ huy quân sự khác đã từng sống ở đây. Cho đến ngày nay, mười tám tòa nhà này vẫn đứng lặng lẽ, kể lại câu chuyện về những năm tháng lịch sử.

Cong Trinh Bieu Tuong Cua Truong Dai Hoc 2
Thập bát đống

Xem thêm: Thành phố Vũ Hán Trung Quốc 

Đại học Trung Sơn – Cổng trường phong cách miếu thờ (牌坊式校门)

Mỗi cơ sở của Đại học Trung Sơn đều có cổng với phong cách miếu thờ, là công trình biểu tượng của trường đại học này. Trên cổng đề 6 chữ “Đại học Quốc lập Trung Sơn”. Trong khuôn viên chính của trường là gạch đỏ lá canh, rất đặc trưng cho phong cách Lĩnh Nam. Cổng Bắc của trường hướng ra sông Châu Giang. Trục đường chính của Dật Tiên trong khuôn viên trường giống như một cây bút kéo dài từ sông Châu Giang, nghĩa là nó liên tục hút nước từ sông Châu Giang và đưa tất cả tinh hoa từ khắp nơi trên thế giới đến Đại học Trung Sơn.

Các tòa nhà quan trọng trong khuôn viên Khang Lạc Viên của Đại học Trung Sơn hầu như đều xây ở phía Nam và quay mặt về phía Bắc. Ngay cả bức tượng Tôn Trung Sơn bằng đồng cũng quay mặt về phía Bắc, ngụ ý “Bắc phạt”. Trước đây, Quảng Đông là điểm khởi đầu của Bắc phạt. Mặc dù lúc đó Tôn Trung Sơn đã qua đời vì bệnh tật, song ngôi trường đại học do ông xây dựng thì chưa bao giờ ngừng quá trình cách mạng.

Đại học Hồ Nam – Thư viện Nhạc Lộc (岳麓书院)

Đại học Hồ Nam là một trong số ít trường đại học ở Trung Quốc không có tường bao. Tòa nhà mang tính biểu tượng nhất của trường đại học này chắc chắn là Thư viện Nhạc Lộc đã tồn tại hàng nghìn năm. Thư viện Nhạc Lộc nằm dưới chân núi Nhạc Lộc, được xây dựng từ thời nhà Tống. Dù đã đã trải qua mưa gió, bị phá hủy và sửa chữa nhiều lần, song nhiều sân viện vẫn còn nguyên vẹn cho đến ngày nay.

Ngày nay, mặc dù Thư viện Nhạc Lộc không còn đảm nhận chức năng giảng dạy và giáo dục con người nhưng đây vẫn là nơi trao đổi học thuật quan trọng. Thư viện Nhạc Lộc là một trong tứ đại thư viện của Trung Quốc cổ đại. Nơi đây đã thịnh vượng trong suốt các triều đại nhà Tống, Nguyên, Minh, Thanh. Thư viện Nhạc Lộc không chỉ đào tạo ra một lượng lớn nhân tài cho Trung Quốc mà còn chứng kiến ​​​​sự chuyển đổi của nền giáo dục ở Trung Quốc cổ đại và những thay đổi trong mô hình đào tạo nhân tài.

Cong Trinh Bieu Tuong Cua Truong Dai Hoc 3
Thư viện Nhạc Lộc

Đại học Hạ Môn – Khu nhà Quần Hiền (群贤楼群)

Đại học Hạ Môn là một trong những trường đại học đẹp nhất Trung Quốc. Trường được bao bộc bởi núi và biển, hoa phượng đỏ rực thắp sáng toàn bộ khuôn viên trường. Trong khuôn viên trường, khu nhà Quần Hiền với giá trị lịch sử to lớn được coi như là công trình biểu tượng của trường Đại học Hạ Môn. Công trình này nằm dưới chân đỉnh Ngũ Lão, phía trước là chùa Nam Phổ Đà.

Quần thể công trình được xây dựng từ năm 1921-1922, có diện tích xây dựng gần 10.000 m2. Thư viện quay mặt về hướng Nam, có kết cấu bằng gạch và gỗ với lối trang trí tinh xảo. Năm tòa nhà trong khu Quần Hiền được xếp thành một hàng. Mỗi tòa nhà được nối với nhau bằng một hành lang gỗ dốc đôi. Ngày nay, nơi đây đã trở thành văn phòng công tác của Đại học Hạ Môn.

Xem thêm: Đại học Hạ Môn

Trên đây là bài viết giới thiệu về TOP 8 công trình biểu tượng của các trường đại học lớn tại Trung Quốc. Hi vọng rằng những thông tin trong bài viết này sẽ hữu ích với các bạn. HiCampus chúc bạn sẽ có một mùa du học thành công!

Kết nối cùng Hicampus để được tư vấn về các chương trình và chỉ tiêu học bổng nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *